Cần bao nhiêu Vốn điều lệ khi thành lập Công ty Một thành viên?

"Cần bao nhiêu Vốn điều lệ khi thành lập Công ty Một thành viên"Trước khi tiến hành thành lập Công ty TNHH Một thành viên, bạn cần nắm rõ những quy định về vốn điều lệ Công ty TNHH Một thành viên. Sau đây DNG Business sẽ chia sẻ những kiến thức tổng quan về vấn đề liên quan đến vốn điều lệ khi thành lập công ty TNHH Một thành viên.

1.  Vốn điều lệ là gì?

Vốn điều lệ của công ty TNHH một thành viên là tổng giá trị tài sản do chủ sở hữu cam kết góp và ghi trong Điều lệ công ty. Chủ sở hữu công ty TNHH một thành viên sẽ phải góp đủ và đúng loại tài sản đã cam kết góp. Nếu góp không đủ, chủ sở hữu sẽ phải thực hiện thủ tục giảm vốn điều lệ. Trong quá trình hoạt động, vốn điều lệ của công ty TNHH một thành viên có thể tăng lên hoặc giảm xuống. Việc thay đổi vốn điều lệ sẽ do chủ sở hữu công ty quyết định.

2.  Vốn điều lệ có thể được góp bằng những tài sản gì?

Theo quy định tại Điều 35 Luật doanh nghiệp 2014 thì:

“1. Tài sản góp vốn có thể là Đồng Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác có thể định giá được bằng Đồng Việt Nam.

2. Quyền sở hữu trí tuệ được sử dụng để góp vốn bao gồm quyền tác giả, quyền liên quan đến quyền tác giả, quyền sở hữu công nghiệp, quyền đối với giống cây trồng và các quyền sở hữu trí tuệ khác theo quy định của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Chỉ cá nhân, tổ chức là chủ sở hữu hợp pháp đối với các quyền nói trên mới có quyền sử dụng các tài sản đó để góp vốn.

3.  Mức vốn điều lệ khi thành lập công ty là bao nhiêu?

Pháp luật doanh nghiệp Việt Nam không quy định mức vốn điều lệ bắt buộc tối thiểu hay tối đa bao nhiêu đối với công ty TNHH Một thành viên (trừ trường hợp quy định vốn pháp định và mức ký quỹ).

Tiêu chí để lựa chọn mức vốn điều lệ bao nhiêu dựa trên các căn cứ sau:

  • Khả năng tài chính của mình;
  • Phạm vi, quy mô hoạt động của công ty;
  • Chi phí hoạt động thực tế của công ty sau khi thành lập (vì vốn điều lệ của công ty để sử dụng cho các hoạt động của công ty sau khi thành lập);
  • Dự án ký kết với đối tác…

Việc xác định vốn điều lệ còn phụ thuộc vào ngành nghề kinh doanh mà công ty dự định hoạt động. Đối với một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện về vốn pháp định và ký quỹ thì vốn điều lệ của công ty phái đáp ứng điều kiện của pháp luật. Cụ thể:

Đối với ngành nghề kinh doanh yêu cầu vốn pháp định

Trước tiên ta phải hiểu vốn pháp định là gì? Vốn pháp định là số vốn tối thiểu để công ty được thành lâp theo quy định của nhà nước. Chỉ một số ngành nghề cụ thể nhà nước quy định vốn pháp định mới phải áp dụng.

Khi công ty đăng ký hoạt động ngành nghề kinh doanh yêu cầu vốn pháp định thì vốn điều lệ của công ty không được thấp hơn mức vốn pháp định đối với ngành nghề kinh doanh đó. Nhà nước không quy định mức vốn tối đa.

Đối với ngành nghề kinh doanh yêu cầu ký quỹ

Vốn ký quỹ khi đăng ký thành lập công ty là số vốn trong vốn bắt buộc tuy nhiên doanh nghiệp của bạn phải có một khoản tiền ký quỹ thực tế trong ngân hàng, nhằm đảm bảo sự hoạt động của công ty.

Theo đó, khi đăng ký kinh doanh những ngành nghề yêu cầu ký quỹ thì công ty phải có tài liệu chứng minh đã ký quỹ số tiền mà pháp luật quy định.

Số vốn góp quyết định mức thuế môn bài công ty phải nộp sau khi hoàn tất quy trình thành lập công ty. Theo quy định hiện hành thuế môn bài được chia thành hai mức:

  • Mức 1: Vốn điều lệ trên 10 tỷ đồng mức thuế môn bài: 3 triệu đồng /1 năm;
  • Mức 2: Vốn điều lệ từ 10 tỷ đồng trở xuống mức thuế môn bài: 2 triệu đồng/ 1 năm.

4.  Thực hiện góp vốn thành lập công ty như thế nào?

Chủ sở hữu phải góp đủ và đúng loại tài sản như đã cam kết khi đăng ký thành lập doanh nghiệp trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.

Trường hợp không góp đủ vốn điều lệ trong thời hạn quy định trên, chủ sở hữu công ty phải đăng ký điều chỉnh vốn điều lệ bằng giá trị số vốn thực góp trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày cuối cùng phải góp đủ vốn điều lệ. Trường hợp này, chủ sở hữu phải chịu trách nhiệm tương ứng với phần vốn góp đã cam kết đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty phát sinh trong thời gian trước khi công ty đăng ký thay đổi vốn điều lệ.

5.  Trách nhiệm của chủ sở hữu về việc góp vốn thành lập công ty TNHH Một thành viên ra sao?

Chủ sở hữu chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các nghĩa vụ tài chính của công ty, thiệt hại xảy ra do không góp, không góp đủ, không góp đúng hạn vốn điều lệ công ty TNHH Một Thành Viên.

Hi vọng những thông tin trên sẽ giúp quý doanh nghiệp hiểu thêm về quy định mức Vốn điều lệ khi thành lập Công ty. Hãy liên hệ DNG Business qua HOTLINE 0915 888 404 hoặc 02363 707 404 để được tư vấn trực tiếp chuyên sâu và chính xác hơn đối với những thắc mắc về Thủ tục Thành lập Công ty tại Đà Nẵng.

Chúc Quý Doanh nghiệp luôn thành công trên con đường kinh doanh của mình.

Thành lập Công ty Một thành viên cần bao nhiêu vốn điều lệ?