ĐĂNG KÝ NHÃN HIỆU

Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu

Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu - Ở nước ta, ngoại trừ nhãn hiệu nổi tiếng thì các nhãn hiệu khác đều phải đăng ký nhãn hiệu độc quyền tại cơ quan có thẩm quyền về quyền sở hữu công nghiệp thì mới được công nhận và bảo hộ bằng pháp luật. Vậy quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu khi đăng ký nhãn hiệu là gì?

MỤC LỤC:

  • 1. Quyền đăng ký nhãn hiệu
  • 2. Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên
  • 3. Nguyên tắc ưu tiên
  • 4. Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa
  • 5. Hành vi bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu

Quyen-va-nghia-vu-cua-chu-so-huu-nhan-hieu.jpg

1. Quyền đăng ký nhãn hiệu

Pháp luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam có những quy định cụ thể, chi tiết về các đối tượng có quyền đăng ký nhãn hiệu cho một sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ như sau:

Theo quy định tại Điều 87 Luật Sở hữu trí tuệ năm 2005, sửa đổi, bổ sung năm 2009 thi các cá nhân, tổ chức sau đây có quyền đăng ký nhãn hiệu:
-   Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hóa do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp;
-   Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó;
-   Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể; Đối với dấu hiệu chỉ nguồn gốc địa lý của hàng hóa, dịch vụ, tổ chức có quyền đăng ký là tổ chức tập thể của các tổ chức, cá nhân tiến hành sản xuất, kinh doanh tại địa phương đó;
-   Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó;
-   Hai hoặc nhiều tổ chức, cá nhân có quyền cùng đăng ký nhãn hiệu để trở thành đồng chủ sở hữu với điều kiện:
  • Việc sử dụng nhãn hiệu đó phải nhân danh tất cả các đồng chủ sở hữu hoặc sử dụng cho hàng hóa, dịch vụ mà tất cả các đồng chủ sở hữu đều tham gia vào quá trình sản xuất, kinh doanh;
  • Việc sử dụng nhãn hiệu đó không gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về nguồn gốc của hàng hóa, dịch vụ.

2. Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên

Nguyên tắc nộp đơn đầu tiên (First to file) là nguyên tắc được áp dụng tại Việt Nam để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ cho các chủ thể đăng ký nhãn hiệu. Tuy nhiên nguyên tắc này không được áp dụng trong trường hợp đó là nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đã được sử dụng rộng rãi.

Nguyên tắc nộp đơn được quy định như sau:

Trường hợp có nhiều đơn của nhiều chủ thể khác nhau đăng ký nhãn hiệu có khả năng trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhau thì văn bằng bảo hộ chỉ có thể được cấp cho đơn hợp lệ có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất trong số những đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ.

Trường hợp có nhiều đơn đăng ký cùng đáp ứng các điều kiện bảo hộ và có cùng ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất thì văn bằng bảo hộ chỉ có thể được cấp cho một đơn duy nhất theo sự thoả thuận của tất cả những người nộp đơn. Nếu không thỏa thuận được thì tất cả các đơn đều bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ.

Việc áp dụng nguyên tắc nộp đơn được quy định theo pháp luật của mỗi quốc gia, do vậy các chủ thể cần tìm hiểu kỹ về nguyên tắc áp dụng này.

3. Nguyên tắc ưu tiên

Để đảm bảo quyền lợi đồng thời khuyến khích các chủ thể nên đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, các quốc gia đều có quy định để bảo vệ quyền này. Người nộp đơn có quyền yêu cầu hưởng quyền ưu tiên trên cơ sở đơn đầu tiên đăng ký bảo hộ nếu đáp ứng các điều kiện sau đây:

  • Đơn đầu tiên đã được nộp tại Việt Nam hoặc tại nước là thành viên của Điều ước quốc tế có quy định về quyền ưu tiên mà Việt Nam là thành viên hoặc có thỏa thuận áp dụng quy định như vậy với Việt Nam.
  • Người nộp đơn là công dân Việt Nam hoặc công dân của nước khác quy định tại điểm a khoản 1 điều 91 Luật SHTT năm 2005 cư trú hoặc có cơ sở sản xuất kinh doanh tại Việt Nam hoặc tại nước khác quy định tại luật này.
  • Trong đơn có nêu rõ yêu cầu được hưởng quyền ưu tiên và có nộp bản sao đơn đầu tiên các xác nhận của cơ quan đã nhận đơn đầu tiên.
  • Đơn được nộp trong thời hạn ấn định tại Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Trong 1 đơn đăng ký, người nộp đơn có quyền yêu cầu hưởng quyền ưu tiên trên cơ sở nhiều đơn khác nhau được nộp sớm hơn với điều kiện phải chỉ ra nội dung tương ứng giữa các đơn nộp sớm hơn ứng với nội dung trong đơn.

Đơn đăng ký nhãn hiệu được hưởng quyền ưu tiên theo các quy định của Công ước Paris có ngày ưu tiên là ngày nộp đơn của đơn đầu tiên và thời hạn hưởng quyền ưu tiên là 6 tháng kể từ ngày nộp đơn đầu tiên.

4. Quyền và nghĩa vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu hàng hóa

-  Quyền của chủ sở hữu:

Chủ sở hữu được hưởng và sử dụng độc quyền nhãn hiệu. Trong đó có quyền chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu, yêu cầu bất kỳ người nào xâm phạm quyền thương hiệu của mình để dứt hành vi xâm phạm và yêu cầu đối với bất kỳ thiệt hại nào.

-  Nghĩa vụ của chủ sở hữu:

Chủ sở hữu nhãn hiệu có nghĩa vụ sử dụng liên tục nhãn hiệu đó. Trong trường hợp nhãn hiệu không được sử dụng liên tục từ 05 năm trở lên, khi có một bên thứ ba yêu cầu chấm dứt hiệu lực của văn bằng bảo hộ mà chủ sở hữu không đưa ra được lý do chính đáng thì quyền sở hữu nhãn hiệu đó bị chấm dứt hiệu lực. Trừ trường hợp việc sử dụng đó đã được bắt đầu hoặc đã bắt đầu lại trước ít nhất là 03 tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực.

5. Hành vi bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu

Pháp luật có quy định rõ ràng về hành vi xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu, nếu phát hiện hành vi vi phạm chủ sở hữu có quyền yêu cầu người vi phạm chấm dứt hành vi sử dụng hoặc cơ quan nhà nước xử lý đối với hành vi này.

Những trường hợp bị coi là xâm phạm quyền đối với nhãn hiệu khi không được chủ sở hữu đồng ý mà:

  • Sử dụng dấu hiệu trùng với nhãn hiệu đã đăng ký trước đó (áp dụng với cùng nhóm sản phẩm/dịch vụ);
  • Sử dụng dấu hiệu trùng hoặc tương tự có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, dịch vụ;
  • Sử dụng dấu hiệu trùng, tương tự với nhãn hiệu nổi tiếng, hoặc dưới dạng dịch nghĩa, phiên âm cho hàng hoá bất kỳ, nếu việc sử dụng có khả năng gây nhầm lẫn về nguồn gốc hàng hoá, hoặc gây ấn tượng sai lệch về mối quan hệ giữa người sử dụng với chủ sở hữu nhãn hiệu nổi tiếng. 

Image

ĐÀ NẴNG

Địa chỉ: 41 Phan Triêm, Phường Hòa Xuân, Quận Cẩm Lệ, Thành phố Đà Nẵng
Điện thoại: 0236.3.707404
HOTLINE: 0915.888.404
Email: info@dng.vn
Website: https://hcm.com.vn

HỒ CHÍ MINH

Địa chỉ: Tầng 7, Tòa nhà HP, 60 Nguyễn Văn Thủ, Đakao, Quận 1, Hồ Chí Minh.
Điện thoại: 02822446739
Mobile: 0915.888.404
Email: info@hcm.com.vn
Website: https://hcm.com.vn

HÀ NỘI

Địa chỉ: Tòa nhà Anh Minh, 36 Hoàng Cầu, p. Ô Chợ Dừa, Đống Đa, Hà Nội.
Điện thoại: 02422612929
HOTLINE: 0915.888.404
Email: info@hno.vn 
Website: https://hcm.com.vn

SỞ HỮU TRÍ TUỆ